Sách văn học về đề tài lịch sử tiêu biểu tại The Wiselands 27.09.2023 633 views
Bạn có thể ghé The Wiselands – một trong những quán cà phê yên tĩnh ở Hà Nội phù hợp cho việc đọc sách, học tập, nghiên cứu để khám phá những đầu sách văn học Việt Nam chủ đề lịch sử. Dưới đây là một số đầu sách nổi bật về chủ đề này.
“Tuổi thơ dữ dội” của tác giả Phùng Quán
Đây là một tiểu thuyết dài gồm 2 tập, với 8 phần kể lại cuộc chiến đấu anh dũng của những cậu bé trong đội trinh sát thiếu niên của Trung đoàn Trần Cao Vân ở Huế. Được biết từ lúc khởi thảo đến khi ra mắt bạn đọc, tác phẩm đã trải qua hành trình 20 năm để có thể đến với độc giả. Chính quãng thời gian tham gia kháng chiến từ những năm tháng thiếu thời đã trở thành những tư liệu đắt giá để tác giả Phùng Quán viết nên tác phẩm kinh điển này.
“Tuổi thơ dữ dội” là những câu chuyện xúc động xoay quanh cuộc sống chiến đấu và sự hy sinh của những thiếu niên 13-14 tuổi. Cuốn sách không chỉ mang đến nhiều cảm xúc chân thực, sống động mà còn đề cập đến những bài học đáng quý về kiến thức lịch sử, lòng yêu nước, về ý chí, lòng quả cảm, sự quyết tâm, về lòng vị tha; về tình mẫu tử, tình bạn thiêng liêng.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Viện từng chia sẻ về tác phẩm này: “Sách dày 800 trang mà người đọc không bao giờ muốn ngừng lại, bị lôi cuốn vì những nhân vật ngây thơ có, khôn ranh có, anh hùng có, vì những sự việc khi thì ly kỳ, khi thì hài hước, khi thì gây xúc động đến ứa nước mắt…”.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nhận xét: “Đọc “Tuổi thơ dữ dội” chính là đọc lại một phần lịch sử tuổi thơ Việt, thấm đẫm xúc động, cảm phục và tự hào”.
“Búp sen xanh” và “Bông sen vàng” của tác giả Sơn Tùng
Nhà văn Sơn Tùng viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng lòng ngưỡng mộ, say mê và tận tâm. Ông đã dành cả cuộc đời của mình từ khi mới ngoài 20 tuổi đến năm hơn 80 tuổi để tìm hiểu về Bác. Trong số các tác phẩm của ông, “Búp sen xanh” và “Bông sen vàng” là hai tác phẩm nổi bật thể hiện rõ tâm huyết và cống hiến nhiệt thành trong việc tìm hiểu, ghi chép và lưu giữ những câu chuyện về Hồ Chủ tịch.
Tác phẩm của ông chứa đựng những cứ liệu lịch sử chân xác về sự hình thành nhân cách và quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh gắn liền với lịch sử của thời đại. “Búp sen xanh” nói về quãng đời thơ ấu, về gia đình của Bác cho đến khi ra đi tìm đường cứu nước. Còn “Bông sen vàng” lại tập trung chi tiết hơn về thời ấu thơ và tuổi trẻ của Bác với tên gọi Nguyễn Sinh Côn sống với cha mẹ ở Huế. Thông qua ngòi bút của nhà văn Sơn Tùng, cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách Hồ Chí Minh từ thuở thiếu thời được tái hiện rõ nét và gần gũi.
Tiến sĩ Bùi Thanh Truyền – Trường ĐH Sư phạm Huế nhận định về hai tác phẩm: “Mặc dù viết về những giai đoạn khác nhau của tuổi trẻ Bác Hồ (Thời thơ ấu, Thời niên thiếu, Tuổi hai mươi), nhưng có lẽ điểm chung – và cũng là ấn tượng mạnh mẽ nhất mà cả “Búp sen xanh”, “Bông sen vàng” để lại cho người đọc là quãng đời ấu nhi của Bác khi cùng lúc được sống trên cả hai vùng đất giàu bản sắc văn hóa: Nghệ An và xứ Huế. Ở đó, truyền thống gia đình là dưỡng chất đầu đời hình thành nên nhân cách lớn của Bác sau này. […] Cái duyên của Sơn Tùng là biết cách vận dụng, cài đặt đúng chỗ, đúng người, đúng việc nhờ vậy mạch truyện không bị cắt vụn, không sa đà rào đón dài dòng mà rất liên hoàn, thuyết phục.”
“Nhật ký trong tù” do nhà thơ – học giả Quách Tấn phỏng dịch
“Nhật ký trong tù” là tập thơ gồm 133 bài, viết bằng chữ Hán, được Bác Hồ sáng tác trong quãng thời gian từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1943. Đó là hành trình 13 tháng đầy gian nan, cực khổ Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ, phải trải qua 18 nhà lao của 13 huyện thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Tập thơ phản ánh chân thực về chế độ nhà tù và một phần xã hội Trung Quốc dưới thời Tưởng Giới Thạch.
Với bản dịch của nhà thơ Quách Tấn, độc giả có thêm một lựa chọn nữa bên cạnh bản dịch quen thuộc của Nam Trân và các bậc túc nho khác. Những trang thơ được Quách Tấn dịch và thể hiện theo lối mới lạ, độc đáo trong ấn phẩm giúp độc giả hiểu và trân trọng hơn về tài năng dịch thuật, đặc biệt là về tình cảm của thi sĩ Quách Tấn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vốn được biết đến là một dịch giả thơ Đường hàng đầu của Việt Nam, tuy nhiên trong bản dịch này, Quách Tấn đã phá cách, chuyển một số bài của “Nhật ký trong tù” sang những thể thơ truyền thống khác của Việt Nam như thể thơ lục bát.
Đặc biệt với ấn bản này, độc giả còn được “chiêm ngưỡng” những bài thơ của Bác với phần chép tay chữ Hán của nhà thư pháp Trần Thúc Lâm – một người bạn văn chương của Quách Tấn và phần chép tay chữ quốc ngữ của chính nhà thơ.
“Người thầy” của tác giả Nguyễn Chí Vịnh
Trong những năm tháng cuối đời, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – Nguyên Thứ trưởng Quốc phòng từng ấp ủ bản thảo một số cuốn sách, trong đó có tác phẩm “Người thầy”. Tác phẩm này như cuốn sử ký mang nhiều ký ức, tâm sự của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và người thầy của mình về một đời làm tình báo. Người thầy ấy là Anh hùng Quân đội Nhân dân Việt Nam tên Đặng Trần Đức, thường được đồng đội gọi là Ba Quốc. Hơn 20 năm hoạt động “trong lòng” đối phương, ông Ba Quốc là điệp viên duy nhất thâm nhập được vào cơ quan tình báo cao cấp nhất của chính quyền Sài Gòn, với tư cách là sĩ quan tình báo làm việc tại cơ quan mật vụ Phủ Tổng thống và Phủ đặc ủy Trung ương tình báo.
“Người thầy” cũng là tác phẩm tri ân người đã dìu dắt Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh bước vào nghề tình báo, từ khi bắt đầu đến khi trưởng thành trong nghề. Thông qua tác phẩm, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh còn giúp độc giả biết thêm về một số nhân vật lịch sử nổi tiếng như: Đại tướng – Chủ tịch nước Lê Ðức Anh; các vị tướng đứng đầu ngành Tình báo quân đội như Đặng Vũ Chính, Nguyễn Như Văn; những nhà tình báo huyền thoại như Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Nguyễn Văn Khiêm, Lê Hữu Thúy;…
Đại tá Phạm Văn Trường, Giám đốc – Tổng biên tập NXB Quân đội Nhân dân nhận xét: “Bằng một phương pháp tiếp cận độc đáo, cuốn sách “Người thầy” của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh giúp độc giả có cơ hội tìm hiểu để có cái nhìn toàn diện hơn về ngành tình báo và về anh hùng Đặng Trần Đức thường được gọi là Ba Quốc – một trong những cán bộ xuất sắc của quân đội. Cuốn sách được xem như là một sự bổ khuyết cho nhu cầu của độc giả tìm hiểu thông tin về ngành Tình báo quân đội lâu nay được coi là bí mật, khó tiếp cận; đồng thời có giá trị giáo dục, tuyên truyền tới thế hệ trẻ khắc ghi những cống hiến, hy sinh của lớp cha anh đi trước”.
“Những lá thư thời chiến Việt Nam” do nhà văn – nhà báo Đặng Vương Hưng tổng hợp
Trong rất nhiều lá thư của những người lính gửi đi từ chiến trường trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tá – nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng đã lựa chọn 200 lá thư tiêu biểu để đưa vào cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam”. Quá trình sưu tầm thư bắt đầu từ năm 2004.
Những bức thư là kỷ vật lịch sử của một thời, giúp độc giả hiểu thêm về cảm xúc, suy tư của thế hệ ông cha trước những khoảnh khắc định mệnh của lịch sử, của đất nước và của cuộc đời mỗi con người. Qua đó, độc giả còn có thêm góc nhìn về một thời cha ông ta đã sống, đã yêu, cống hiến và hy sinh như thế nào. Đặc biệt, cuốn sách đã được Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết lời giới thiệu.
Cuốn sách không chỉ là tư liệu quý giá, mà còn thể hiện sự tri ân, lòng biết ơn của thế hệ hôm nay và mai sau đối với các thế hệ cha anh đã hy sinh, cống hiến vì sự thống nhất, phồn vinh của dân tộc.
“Cuộc đời chúng ta còn dài, còn tươi đẹp lắm. Một năm xa cách có là bao em nhỉ. Anh vừa giở bản đồ ra xem, nhìn chặng đường mình đi đã vượt qua bao sông núi hiểm trở, với hàng ngàn cây số để đến với mảnh đất Thành đồng Tổ quốc mà kinh ngạc…” (Trích dẫn từ một lá thư trong tuyển tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam”).
Những đầu sách kể trên hiện đang có sẵn tại cà phê sách The Wiselands Coffee 17 Hạ Hồi. Ngoài ra còn có nhiều cuốn sách văn học Việt Nam khác mà bạn có thể đọc tại Thư quán. Trân trọng mời bạn tới đọc!
* The Wiselands Coffee 17 Hạ Hồi, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
* Quán mở cửa hàng ngày từ 7h đến 23h
* Hotline hỗ trợ đặt chỗ/mua sách: 0911.660.177