Khám phá 7 đầu sách tiêu biểu về chủ đề người thầy 15.11.2023 352 views

Trong số những tựa sách đề cập về lĩnh vực giáo dục, có những cuốn nổi tiếng khắc hoạ hình ảnh người thầy không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người hướng dẫn và truyền cảm hứng trong cuộc sống cho những học trò. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, xin giới thiệu tới quý bạn đọc một số đầu sách tiêu biểu về chủ đề người thầy mà bạn có thể khám phá tại Thư quán cà phê sách The Wiselands Coffee.

1. “Người thầy” của tác giả Nguyễn Chí Vịnh

Bìa cuốn sách “Người thầy”

“Người thầy” là tác phẩm văn học đầu tay của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo (Tổng cục II), nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Tác phẩm này như một sử ký mang nhiều ký ức, tâm sự của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh về người thầy của mình trong ngành tình báo. Người thầy ấy là Anh hùng Quân đội Nhân dân Việt Nam tên Đặng Trần Đức, thường được đồng đội gọi là Ba Quốc.

Cuốn sách có 7 chương với nhiều câu chuyện về ông Ba Quốc từ khi hoạt động tình báo ở Campuchia cho tới lúc nghỉ hưu ở quân hàm Thiếu tướng tình báo, dưới góc nhìn của người học trò. Tác phẩm cũng thể hiện sự tri ân của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dành cho thầy mình, người đã dẫn dắt Thượng tướng bước vào nghề tình báo, từ khi bắt đầu đến khi trưởng thành trong nghề.

Đại tá Phạm Văn Trường, Giám đốc – Tổng biên tập NXB Quân đội Nhân dân nhận xét: “Bằng một phương pháp tiếp cận độc đáo, cuốn sách “Người thầy” của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh giúp độc giả có cơ hội tìm hiểu để có cái nhìn toàn diện hơn về ngành tình báo và về anh hùng Đặng Trần Đức thường được gọi là Ba Quốc – một trong những cán bộ xuất sắc của quân đội. Cuốn sách được xem như là một sự bổ khuyết cho nhu cầu của độc giả tìm hiểu thông tin về ngành Tình báo quân đội lâu nay được coi là bí mật, khó tiếp cận; đồng thời có giá trị giáo dục, tuyên truyền tới thế hệ trẻ khắc ghi những cống hiến, hy sinh của lớp cha anh đi trước”.

2. “Nghề thầy” của tác giả Hoàng Đạo Thuý

Bìa cuốn sách “Nghề thầy”

Đây là tác phẩm của nhà giáo dục – nhà biên khảo – nhà hoạt động văn hóa xã hội Hoàng Đạo Thuý. Sinh thời ông hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau và trong lĩnh vực nào cũng để lại những dấu ấn đặc biệt, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Trong sự nghiệp của mình, ông cũng từng dạy học, tích cực tham gia các phong trào cứu tế xã hội, truyền bá quốc ngữ và là thủ lĩnh của phong trào Hướng đạo sinh Việt Nam.

Cuốn sách “Nghề thầy” đã được Hoàng Đạo Thuý viết vào năm 1944, còn có một tiêu đề phụ là “Làm cha mẹ và làm thầy”. Tác phẩm này được coi là những đúc kết kinh nghiệm của ông trong hoạt động giáo dục mà ông đã tham gia làm việc. Những điều được đề cập trong cuốn sách về nghề giáo vẫn có giá trị thực tiễn đáng suy ngẫm cho đến ngày nay. Đặc biệt, thông qua tác phẩm, ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục như là yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.

“Chúng ta mà muốn, thì chúng ta có thể đổi hẳn tương lai nòi giống. Chỉ mười năm, phải, mỗi người chỉ tận tuỵ mười năm, là một thế hệ thanh niên sẽ đổi khác. Huống hồ đời giáo dục của chúng ta ba mươi năm, hay hơn nữa. Đó không phải là mơ mộng. Sự thực ai cũng làm được, mà ai cũng phải làm mới được. Chúng ta đã không quản gì đồng lương, không nhìn đến chỗ ngồi. Trong trường tiến thủ đã chỉ tranh lấy một địa vị lạnh nhạt nhất, nhưng có ích nhất. Bước vào giáo giới là chúng ta đã có mục đích: không phải đi làm để kiếm ăn thôi, không phải chỉ đi làm công. Chúng ta làm thầy”. (Trích từ cuốn sách “Nghề thầy”)

3. “Chuyện thầy trò” của tác giả Chu Hồng Vân và Hoàng Hương

Bìa cuốn sách “Chuyện thầy trò”

“Chuyện thầy trò” là những câu chuyện có thật về tình thầy trò được hai tác giả Chu Hồng Vân và Hoàng Hương lựa chọn kể lại. Cả hai đều là nhà báo theo đuổi lĩnh vực giáo dục suốt hai thập kỷ. Trong quãng đời làm nghề, họ đã gặp rất nhiều người thầy và đã nghe nhiều câu chuyện về nghề giáo khiến lòng người rung động. Hình ảnh những người thầy và những câu chuyện đó đã được đúc kết và chọn lọc qua 4 chương sách.

Một tình huống ứng xử tinh tế của người thầy, một bàn tay nâng đỡ khi tuột dốc, một lời nói và hành động truyền cảm hứng, một cơ hội làm lại được trao đi, một sự giúp đỡ thầm lặng, hay tình yêu thương chẳng mưu cầu gì hết ngoài sự vươn lên của đứa trẻ… Có những niềm yêu thương và tâm huyết nghề nghiệp vượt rất xa giới hạn trách nhiệm của người thầy như thế đều được đề cập trong cuốn sách.

Qua đó, độc giả sẽ thấy người thầy không chỉ cung cấp kiến thức sách vở, mà lớn lao hơn là còn dạy cho học sinh rất nhiều phẩm chất đáng quý: lòng tự tin vào bản thân, tình yêu lao động, sự nhẫn nại, ý chí vươn lên, và trên hết có lẽ là niềm tin vào điều tử tế, vào tình người, để đến lượt khi những học trò lớn lên sẽ tiếp tục lan tỏa những giá trị ấy.

4. “Tôi học đại học” của tác giả Nguyễn Ngọc Ký

Bìa cuốn sách “Tôi học đại học”

“Tôi học đại học” là cuốn tự truyện của nhà văn – nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký, một người thầy được rất nhiều người kính trọng bởi nghị lực phi thường. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký bị liệt hai tay từ năm 4 tuổi, nhưng với tinh thần ham học đã tập viết bằng chân. Từ nhiều năm nay, hình ảnh của thầy đã trở thành tấm gương hiếu học cho nhiều thế hệ.

Trong cuốn sách này, độc giả sẽ hiểu thêm được những khó khăn mà thầy Nguyễn Ngọc Ký đã gặp trong những năm tháng trên giảng đường đại học, khi phải rời xa quê hương, tới học ở những lớp học sơ tán về các tỉnh miền núi. Cuốn sách đã được thầy ấp ủ viết trong suốt 43 năm, được hoàn thành trong khoảng thời gian sức khỏe của thầy không được tốt, phải chạy thận 3 lần 1 tuần. Những câu chuyện của thầy thấm đẫm tư tưởng nhân văn, giáo dục sâu sắc, nhưng cách thể hiện lại giản dị, dí dỏm, tinh tế.

Nhà giáo ưu tú –  Thiếu tướng, PGS, TS. Đỗ Ngọc Cẩn đã chia sẻ về cuốn sách: “Đọc cuốn tự truyện Tôi học Đại học tôi lại bắt gặp những câu chuyện về những người thầy – những nhân cách lớn. Những câu chuyện đó đã góp phần không nhỏ, giúp tôi có những bài học quý trong sự nghiệp trồng người. Bằng lời tự sự nhẹ nhàng, tinh tế mà sâu lắng, Tôi học Đại học không chỉ là chuyện tự sự cá nhân mà đã hóa thân thành chuyện đời trên từng trang viết. Và qua những trang đời đó, tình thầy trò thiêng liêng, sâu nặng, thấm đẫm chất nhân văn hiện hữu với tất cả niềm tự hào về một thời kỳ có một không hai trong lịch sử phát triển giáo dục Đại học ở nước ta. Một thời kỳ đã xa nhưng dấu ấn đã khắc sâu vào lịch sử bởi trong muôn vàn gian khổ, thiếu thốn của chiến tranh nhưng cả thầy và trò vẫn khắc phục vươn lên dạy tốt, học tốt”.

5. “Bụi phấn – Tuyển chọn những câu chuyện hay nhất” của nhiều tác giả

Bìa cuốn sách “Bụi phấn – Tuyển chọn những câu chuyện hay nhất”

Cuốn sách này là tuyển tập 54 câu chuyện ấn tượng, sâu sắc và cảm động về tình thầy trò, được chia làm 4 chương do đội ngũ First News – Trí Việt tổng hợp. Qua đó, cuốn sách thể hiện lòng thành kính, biết ơn với những người mang tri thức đến cho cuộc đời. Thông qua cuốn sách, độc giả sẽ được biết đến bức thư nổi tiếng mà Tổng thống Abraham Lincoln gửi thầy giáo của con trai, những câu nói ấn tượng của các danh nhân như William Arthur Ward, Albert Camus,… và cả ca dao, tục ngữ hay của Việt Nam về nghề dạy học.

Vẻ đẹp của trái tim và tâm hồn người thầy đối với học trò được khắc hoạ rõ nét, đồng thời khơi gợi cả những ký ức về tuổi thơ thân thương bên mái trường với ghế đá, những bài kiểm tra. Những câu chuyện trong cuốn sách thân thuộc đến mức dường như đó cũng chính là câu chuyện, mảnh ghép kỷ niệm của mỗi độc giả.

Một số trích dẫn nổi tiếng về nghề giáo trong cuốn sách “Bụi phấn – Tuyển chọn những câu chuyện hay nhất”:

Chúng ta không thể dạy bảo cho ai bất cứ điều gì, chúng ta chỉ có thể giúp họ phát hiện ra những gì còn tiềm ẩn trong họ.” – Galileo.

Người thầy bình thường biết nói chuyện. Người thầy tốt biết giải thích. Người thầy giỏi biết chứng minh. Người thầy vĩ đại biết truyền cảm hứng.” – William Arthur Ward.

Tố chất của một nhà giáo giỏi là có khả năng đưa học trò đến những chân trời mới mà ngay chính bản thân mình cũng chưa từng đặt chân đến.” – Thomas Groome.

6. “Những tấm lòng cao cả” của tác giả Edmondo De Amicis

Hai phiên bản bìa sách “Những tấm lòng cao cả”

“Những tấm lòng cao cả” là một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Ý Edmondo De Amicis. Tác phẩm được viết theo hình thức nhật ký của Enrico Bottini – một cậu học sinh 11 tuổi người Ý. Trong suốt năm học lớp 3, cậu đã đều đặn ghi lại những câu chuyện mà mình ấn tượng, từ những việc làm của thầy cô giáo, bạn bè, người xung quanh cho đến những câu chuyện được đọc trên lớp, chuyện với người thân thương, tất cả đều được ghi vào một cuốn nhật ký. Với Enrico, mỗi câu chuyện ấy là một bài học về tình thầy trò, bạn bè, cha con, về sự yêu thương, lòng trắc ẩn và tình yêu nước.

Vì thế, mặc dù không được coi là kiệt tác của nền văn chương thế giới nhưng trong sự nghiệp giáo dục thế hệ măng non, tác phẩm chiếm một vị trí quan trọng. Nhiều phần trong tác phẩm đã được đưa vào sách giáo khoa các nước.

Xong bài chính tả, thầy lặng thinh nhìn chúng tôi một lúc, rồi nói với chúng tôi, giọng thầy rất to, nhưng hết sức hiền từ: “Nghe đây, các con ạ! Chúng ta sẽ sống chung với nhau cả một năm, thầy trò ta đều cố gắng làm sao cho năm nay thật tốt. Các con phải chăm và ngoan. Thầy không có gia đình. Chính các con sẽ thay cho gia đình của thầy. Năm ngoái thầy còn mẹ; nhưng nay mẹ thầy đã mất rồi. Nay thầy chỉ có một mình, thầy chỉ còn các con trên đời này nữa thôi. Thầy chẳng còn ý nghĩ nào, tình cảm nào ngoài các con ra. Các con phải là đàn con của thầy. Thầy sẽ rất thương các con, và các con cũng phải thương thầy. Thầy không muốn phải phạt một ai. Các con hãy tỏ ra cho thầy thấy là những đứa trẻ chân thành, dũng cảm. Trường học của chúng ta sẽ là một gia đình, và các con sẽ là niềm an ủi và niềm tự hào của thầy…” (Trích dẫn từ cuốn sách “Những tấm lòng cao cả”)

7. “Chiến binh cầu vồng” của tác giả Andrea Hirata

Bìa cuốn sách “Chiến binh cầu vồng”

Đây là tác phẩm đầu tay của Andrea Hirata – một nhà văn Indonesia nổi tiếng. Tác phẩm được dựa trên câu chuyện có thật về thời thơ ấu của chính nhà văn, đề cập về ước mơ và cuộc đấu tranh bền bỉ của thầy trò trường Muhammadiyah để gìn giữ giáo dục cho chính mình.

Qua từng trang sách của “Chiến binh cầu vồng”, độc giả sẽ thấy được tình cảm trong sáng lẫn những trò đùa tinh quái của các cô cậu học trò, mối quan hệ giữa học trò và những người thầy, cả nước mắt lẫn tiếng cười, tạo nên bức tranh chân thực về hố sâu ngăn cách giàu nghèo. Những điều đó đều góp phần để “Chiến binh cầu vồng” trở thành tác phẩm văn học cảm động truyền tải sâu sắc ý nghĩa của việc làm thầy, việc làm trò và việc học.

Chúng có thể mua được xe đạp trong khi thầy Harfan, đường đường là hiệu trưởng, phải dành dụm từng rupi một cũng chi đủ để thay cái lốp xe mòn vẹt. Giáo dục mau chóng trở thành một nỗ lực vô ích đối với những đứa trẻ bị mắc kẹt trong cái vòng chẳng mấy hy vọng được cắp sách tới trường, phải cật lực vì cái ăn cái mặc hằng ngày dưới sự phân biệt đối xử. Nhưng thầy Harfan vẫn luôn cần mẫn cố gắng thuyết phục những đứa trẻ ấy rằng học thức thể hiện lòng tự trọng, rằng giáo dục thể hiện lòng sùng kính đối với đấng tạo hóa, rằng học tập không phải lúc nào cũng buộc chắc với những mục tiêu như lấy được bằng cấp hay trở nên giàu có. Học tập là cao quý, là ca tụng nhân bản, là niềm vui khi được cắp sách tới trường và là ánh sáng văn minh. Đó là định nghĩa hết sức thú vị mà đến hơi thở cuối cùng thầy vẫn có thể giữ được.” (Trích từ cuốn sách “Chiến binh cầu vồng”)

Những đầu sách kể trên đều đang có sẵn tại The Wiselands Coffee – một quán cà phê đẹp ở Hà Nội với không gian yên tĩnh phù hợp để tận hưởng thời gian thư thái bên những cuốn sách. Trân trọng mời bạn tới đọc!

* The Wiselands Coffee 17 Hạ Hồi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

* Quán mở cửa hàng ngày từ 7h đến 23h

* Hotline hỗ trợ đặt chỗ/mua sách: 090 123 36 23

(Nguồn: The Wiselands Coffee sưu tầm và tổng hợp)

0/5 - (0 bình chọn)
Click để đánh giá
Kết quả đánh giá của bạn đã được gửi thành công
Tin chọn lọc khác
Top sách hay về lịch sử không thể bỏ lỡ tại Wiselands
Thư quán The Wiselands trân trọng giới thiệu đến Quý bạn 13 cuốn sách hay về lịch sử đang được giảm tới 15%-40% và miễn phí vận chuyển toàn quốc.
Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/04/2024
Từ xa xưa tới nay, sách đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao tri thức, kỹ năng, và phát triển tư duy của con người. Hãy cùng quán cà phê sách The Wiselands Coffee tìm hiểu về ý nghĩa của Ngày sách Việt Nam 21/4.
30 danh ngôn hay về sách truyền cảm hứng cho độc giả
Cùng quán cà phê đẹp The Wiselands Coffee đọc những câu danh ngôn nổi tiếng về sách dưới đây để hiểu được những giá trị sâu xa và tầm quan trọng của sách.
Mùa hạ trong những trang sách
Hãy cùng quán phê đẹp The Wiselands Coffee lạc vào những mùa hè, nơi không chỉ có nắng vàng, trời xanh mà còn có những câu chuyện thấm đượm tình đời, tình người. 
7 tựa sách truyền cảm hứng cho phụ nữ hiện đại
Nhân dịp 8/3 cận kề, cà phê sách The Wiselands Coffee xin giới thiệu đến quý bạn đọc 7 tựa sách truyền cảm hứng cho phụ nữ hiện đại.
Sách văn học về đề tài lịch sử tiêu biểu tại The Wiselands
Bạn có thể ghé The Wiselands – một trong những quán cà phê yên tĩnh ở Hà Nội phù hợp cho việc đọc sách, học tập, nghiên cứu để khám phá những đầu sách văn học Việt Nam chủ đề lịch sử.