Phong vị Tết Hà Nội cũ 10.01.2023 357 views
Bản thân phong vị Tết mang tính phi vật chất. Nó bổng như một làn gió nhẹ mang hương, mang vị, mang màu sắc, âm thanh ngày Tết, nó đặc trưng với từng vùng miền quê hương yêu dấu, biến đổi theo từng thời kỳ. Hôm nay cùng Cà phê sách The Wiselands Coffee khám phá phong vị Tết Hà Nội trong những ngày cận Tết xưa nhé:
Phong vị, theo Từ điển Hán Nôm, là để: “chỉ sự thích thú và cái ý nghĩa cao đẹp của một sự việc, hoặc trong một cuộc sống”. Ý kiến cá nhân tôi, một người Hà Nội cũ vốn cũng chịu khó quan sát và chịu đọc, thì giải thích thế có lẽ là chưa đủ. “Phong” với tôi là phong cách, “vị” với tôi là hương vị. Vậy “phong vị ngày Tết” có nghĩa là phong cách cùng hương vị của ngày Tết, gọi nôm na là “không khí Tết”.
Tết mà ta đang nói đến, là Tết Nguyên đán, Tết cổ truyền của dân tộc. Trong bài viết này, tôi muốn bàn về phong vị Tết của Hà Nội một thời.
Ở nhà tôi, sau giỗ ông nội nhằm đúng rằm tháng Một là coi như cái Tết đã cận kề. Mưa phùn gió bấc buốt thấu xương tiết Đại hàn, tiết khí cuối cùng của năm cũ vừa đi qua, đã thấy le lói đốm đỏ đốm hồng nhánh đào hoa tỉa cành bán rong trên phố. Thứ đào tỉa bán theo bó này chỉ dành để cắm trên lọ nhỏ ban thờ. Đây là những nụ cười báo xuân sớm nhất, nở bừng trong gió rét.
Thời gian với bọn trẻ con mong Tết trôi chậm dềnh dàng, nhưng đến nhanh xồng xộc đối với người lớn lắm lo toan. “Bát gạo tháng Giêng, đồng tiền tháng Chạp”, các cụ đã bảo như thế! Đồng tiền tháng Chạp nó đi khỏi túi nhà nghèo nhanh vùn vụt. Biết bao nhiêu việc phải tiêu, còn mấy món nợ chưa trả. Ai cũng muốn khép lại một năm làm ăn sao cho chu đáo với bạn hàng, cho gia đình vui vẻ dù thu nhập vẫn đang tùng tiệm. Nghe tiếng pháo lẻ đì đẹt lác đác, nhiều kẻ làm công tha hương, kiếm ăn độ nhật trên hè phố bỗng giật mình, thảng thốt thở dài.
Bất chấp tất thảy, thời gian như vó ngựa phi chẳng thể bước dừng. Loáng cái đã đến rằm tháng Chạp. Dù giàu nghèo, cái Tết vẫn đang đến với từng nhà. Công nhân nhà đèn đã bắt đầu chăng các dây bóng điện đủ màu lên những cây bàng trụi, cây xà cừ trên phố Hàng Lược, Hàng Mã, Hàng Khoai, vốn là khu chợ hoa đất cũ kinh thành.
Các ba-ri-e xếp ngăn quây lại khu phố trên, tạo thành một chợ hoa đủ loại. Phố Hàng Lược bán đào; phố Hàng Khoai bán thược dược, violet, lay ơn; phố Hàng Mã bán hoa giấy, đèn lồng; phố Hàng Rươi bày ra bán đồ đồng, đồ thờ cũ. Thêm mấy hàng đồ sành sứ, tiểu cảnh, non bộ đóng tại giữa ngã năm Cống Chéo. Dạo qua luân phiên các phố ấy, là những hàng bán bóng bay cùng bọn trẻ con hớn hở vì sắp đến kỳ nghỉ học.
Tất cả những thay đổi phố phường đang diễn ra ấy, kể cả những lo toan thầm lặng kia nữa, đều đã phấp phỏng phong vị ngày Tết. Hăm ba tháng Chạp Tết ông Công ông Táo, đã có nhà mang thùng tôn kẽm ra cọ rửa. Chiếc thùng vốn đựng những thứ tạp nham, mỗi năm chỉ sử dụng một lần cho việc luộc bánh chưng. Đây là công việc của cánh đàn ông. Nhà nọ mách nhà kia dưới gian cầu xe lửa Hàng Cót, củi gộc thương nghiệp, thứ chất đốt truyền thống để luộc bánh chưng đã về. Chuyến xe điện nối thêm toa đông đặc những người, lừ đừ chạy dọc bức tường rêu Văn Miếu dưới làn mưa bụi, nơi có các ông đồ tiên phong đạo cốt lừng danh như Cung Khắc Lược, múa bút tặng chữ Tâm chữ Phúc, mong thiên hạ yên ấm thái bình.
Các gian hàng chợ Đồng Xuân cũng trang trí thêm những dây đèn nhấp nháy, bắt đầu bán hàng Tết. Túi hàng Tết định lượng, bao gồm gói chè Hồng Đào, gói thuốc lá Thủ đô bao bạc, túi mì chính nửa lạng mắt tinh mới thấy, đôi gói kẹo mềm Hải Châu, hai hộp mứt Tết mỏng bìa nhãn vẽ hoa đào, túi hạt tiêu đen nho nhỏ, phong pháo Trúc Bạch, chai rượu cam hoặc chanh pha màu, lại thêm một, hai miếng bóng bì hình thù đa dạng, luôn có xu hướng chọc thủng chiếc túi ni lông bao ngoài, làm ẩm xìu các thứ hàng bên trong.
Những màu sắc, hình thức tiêu chuẩn công cộng ấy cũng cần thiết, song thực ra, phong vị Tết đậm đặc nhất sẽ đến với từng phố nhỏ, riêng đến trong mỗi gia đình, nơi có những thiếu nữ tuổi ô mai rủ nhau đi mua táo, khế, cà chua, mận, gừng… về tỉ mẩn xăm từng mũi kim, ngâm nước vôi chưng mứt đường, khoe tài nữ công gia chánh. Các bà các chị mang mâm đồng, ghế con ra máy nước đầu ngõ ngồi rửa lá dong. Đôi bàn tay lên cước đỏ hồng, tê tái trong đợt gió bấc cuối năm rát mặt. Cụ già trên ban công nhà cũ, chậm rãi tỉa lại một dáng cành cây thế, vẻ ưu tư thương người con trai đi lính trận chưa về. Trong không gian đằm thắm mưa phùn, đã nghe đâu đây đậm đà mùi khói pháo, hương ngát thơm nồi nước mùi già phiên tắm gội tất niên sớm của nhà ai.
Dường như cái gì đầy đủ quá cũng làm người ta lười biếng và mất đi xúc cảm, mà xúc cảm Tết chính là phong vị ngày Tết. Có những người luống tuổi xa lâu mới trở về thành phố, dạo quanh chợ hoa mà chẳng mua gì. Ấy là người ta muốn cái phong vị quê hương cùng làn mưa bụi mịt mờ trên phố cũ thấm đẫm vào hồn. Chiếc chăn chưa đủ ấm sẽ gọi thêm niềm trăn trở đêm sâu. Giọt mưa lạnh lọt trong cổ áo sẽ nhắc nhở một thời gian khó. Tết có cả ngậm ngùi quá khứ lẫn hy vọng tương lai mới là Tết thật. Tết ê hề hiện sinh trên bàn ăn trước mặt đâu có đáng kể gì với một con người lão thành kinh lịch, lại trót giàu tâm sự thế thái nhân tình.
Bữa cơm trưa ngày hăm chín, ngày gói bánh chưng với tôi là ngon nhất. Mọi người tấp nập xách đủ các xâu thịt cơ quan tăng gia được về, bởi thịt tiêu chuẩn tem phiếu chẳng được bao nhiêu. Bà tôi lựa riêng ra các phần để gói bánh, để xào gói giò thủ, để nấu măng nấu bóng… Còn lại các mẩu thịt vụn đem kho vội với mắm tiêu, các phần lòng tiết được chia nấu nồi canh hành răm. Bữa cơm gia đình sum họp ăn vội để dọn nhà, nhưng đậm đặc không khí Tết.
Tết bây giờ mọi sự đều mua sắm sẵn, Tết khép kín trong từng nhà, từng căn hộ. Tết giàu hơn vật chất nhưng phong vị Tết đã nhạt dần đi. Có người lại ví Tết nhanh như kẻ cướp, đến chớp nhoáng bất ngờ. Em gái công nhân may ở tận Bình Dương chủ bắt tăng ca, vé tàu mua chẳng kịp, đành bơ vơ ăn Tết nơi xa. Phải chăng đó cũng là một phần phong vị Tết thời kinh tế thị trường?
Bản thân phong vị Tết mang tính phi vật chất. Nó bổng như một làn gió nhẹ mang hương, mang vị, mang màu sắc, âm thanh ngày Tết, nó đặc trưng với từng vùng miền quê hương yêu dấu, biến đổi theo từng thời kỳ. Thế cho nên nếu có nói phong vị ngày Tết chính là nỗi nhớ nhà trong lòng những kẻ đi xa cũng chẳng có gì là lạc ý.
Bâng khuâng chiều ba mươi. Cờ quạt bay rờm rợp nhưng phố xá hắt hiu thưa thớt. Hà Nội thân quen ngày thường giờ như một thành phố lạ đang chết lâm sàng. Người ta ở cả trong nhà lo đón ông bà cùng bữa cơm tất niên. Vết hương trầm mỏng manh thơm làn khói trên ban cao, như tiền nhân đã kịp về phù hộ độ trì cho con cháu.
Chiều ba mươi, có người lính cũ ra ngồi trên bờ đê một mình ngắm sông Hồng chảy trong làn mưa bụi. Thương bạn mình nằm lại mùa khô rừng khộp, mơ giấc mơ khát cháy một dòng sông. Tiếng cười vô tư một đôi trẻ lướt xe qua màn mưa dày, để lại vết thắm hoa đào loang trên phố ướt.
Về với mùa xuân thôi anh lính, khi đã chiêm nghiệm thấy ngoài phong vị Tết của mùa xuân chung, luôn có phong vị Tết riêng, riêng đến từng mỗi con người./.
Hệ thống quán cà phê đẹp ở Hà Nội – The Wiselands Coffee 17 Hạ Hồi và 24 Quang Trung, Hoàn Kiếm!
Nhà văn Trung Sỹ
Bài viết được trích trong cuốn sách “Tết đoàn viên”.
sưu tầm.